An ninh mạng trong giáo dục và đào tạo

18/08/2020 15:41

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet, chủ yếu tham gia các trang mạng xã hội như: Youtube (chia sẻ Video), Facebook (mạng xã hội), Twitter (tiểu Blog),… trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên - đây cũng là lực lượng tham gia nhiều nhất vào sự mất an toàn, an ninh trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ trong đời sống xã hội.

 

Các hành vi vi phạm trên Internet chủ yếu do sự nhận thức vô tình hay cố ý không nhận biết được đúng sai hoặc “a dua” theo đám đông. Khi tham gia Internet, nếu không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng tham gia vào hệ thống mạng Internet có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, cần tăng cường thông tin chính thống đối với người tham gia Internet, đặc biệt là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên để điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng Internet nhất là đối với những trang mạng xã hội, cụ thể như sau:

1. Để đảm bảo an ninh mạng quốc gia, cần sớm đưa vào chương trình dạy học trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và phải đảm bảo phù hợp với ngành học và cấp học.

Gần 20 năm qua, mạng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức, đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng Internet cũng tạo ra những thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia như tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, tình báo mạng và chiến tranh mạng… Đã có nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô lớn mà mục tiêu nhắm tới là bí mật quân sự, an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, các cơ sở hạ tầng trọng yếu của hầu hết quốc gia trên thế giới gây lên những hậu quả nghiêm trọng. Ở Việt Nam, nguy cơ bị các thế lực tấn công từ không gian mạng đã và đang thực sự hiện hữu, đe dọa nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước. Đã có nhiều cuộc tấn công mạng có tổ chức vào hệ thống thông tin quan trọng của Nhà nước thể hiện qua nhiều vụ, việc các phần mềm gián điệp đã vượt qua các phần mềm diệt virus, lây lan, nhiễm vào máy tính của cán bộ công tác trong các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước.

Qua đó, giáo dục bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia, an ninh an toàn học đường là một nội dung giáo dục quốc dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có trách nhiệm và giải pháp đưa nội dung giáo dục bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia vào chương trình dạy học trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với ngành học, cấp học. Cơ quan chủ quản hệ thống thông tin chịu trách nhiệm rà soát, xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo quy định; lập hồ sơ, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm định đưa vào danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, thu thập chứng cứ và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để loại bỏ, giảm trừ các hành vi vi phạm trên không gian mạng quốc gia.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo, Nghị quyết chuyên đề để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển giáo dục, tạo môi trường học đường lành mạnh.

3. Các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng ngừa, chống vi phạm trên Internet; nghiên cứu, đề xuất các quy định và kiểm tra các phương tiện, thiết bị máy tính có liên quan đến chứng cứ điện tử đồng thời thu thập, bảo quản, phục hồi và giám định chứng cứ điện tử phù hợp với đặc điểm, tính chất vi phạm trên mạng Internet; tăng cường kiểm tra và ban hành các chế tài xử lý vi phạm, có tính răn đe đối với những hành vi vi phạm trên Internet; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, chống vi phạm trên mạng Internet chuyên nghiệp, hiệu quả, liêm chính, tăng tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; cảnh giác chống bị lôi kéo đồng thời chống các thế lực thù địch cài cắm, móc nối cán bộ, cán bộ kỹ thuật mạng máy tính; nắm chắc tình hình để tham mưu, giải quyết công việc đúng quy định pháp luật; chấp hành nghiêm mệnh lệnh công tác; bám sát các quy định về hoạt động nghiệp vụ và hoạt động thanh tra, kiểm tra.

4. Thường xuyên cập nhật thông tin và tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và đào tạo lại, trang bị những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ an ninh thông tin. Hình thành bộ máy tiếp nhận, xử lý các phản ánh về thông tin sai phạm trên mạng Internet từ cộng đồng. Nghiên cứu đề xuất thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát mạng Internet hoạt động theo cơ chế, quy chế riêng. Áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, lưu trữ dữ liệu về tình hình vi phạm trên mạng Internet phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và các hoạt động nghiệp vụ khác.

5. Yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, nhà trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; phương châm lấy phòng ngừa là chính, nâng cao chất lượng, áp dụng linh hoạt đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh, sinh viên nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm trên mạng Internet trong giai đoạn hiện nay.

6. Nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục học sinh, sinh viên. Tăng cường hoạt động của hội cha mẹ học sinh, phối hợp với nhà trường, đoàn thể chính quyền để quản lý, giáo dục, rèn luyện giúp học sinh, sinh viên học tập tốt, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhà trường tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cấp đảng, đoàn, đội duy trì hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia.

7. Đẩy mạnh quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống; không trù dập, đối xử thô bạo với học sinh, sinh viên; tạo niềm tin và môi trường học tập lành mạnh trong nhà trường. Lựa chọn trong học sinh, sinh viên những người có trình độ, năng lực công nghệ thông tin cao tham gia chương trình chống tội phạm trên mạng Internet. Phối hợp với các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý an ninh trật tự, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo, cơ sở kinh doanh, cá nhân vi phạm pháp luật, lợi dụng lôi kéo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật thông qua mạng Internet.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng) và  Bộ Công an (Cục An ninh mạng) trong những yêu cầu do hai Bộ đề ra cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện bảo đảm nguồn nhân lực, phối hợp tác nghiệp trong điều kiện cụ thể.

icon