Việc kiểm soát nhiễm khuẩn nói chung và khử khuẩn nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện. Số lượng dụng cụ y tế, trang phục y tế và thiết bị phụ trợ như: dụng cụ phòng mổ, quần áo phẫu thuật… cần phải khử khuẩn rất lớn. Ngoài quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang y tế N95 cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là loại khẩu trang được sản xuất từ vật liệu polypropylene nhiều lớp và được thiết kế vừa với khuôn mặt, hạn chế sự xâm nhập của virus. Chính vì thế, khẩu trang N95 có giá thành cao hơn các loại khẩu trang thông thường và trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh như hiện nay, số lượng khẩu trang sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, cơ sở y tế.
Trước tình trạng trên, một số nước trên thế giới cũng đã tính đến phương án sử dụng các biện pháp khử khuẩn nhằm tái sử dụng khẩu trang loại này. Các phương pháp chính dùng để tái sử dụng khẩu trang N95 có thể kể đến như: để khẩu trang trong điều kiện không khí khô từ 3 đến 4 ngày; sử dụng nhiệt (70 độ C trong 30 phút) và sử dụng tia UV, hóa hơi nước oxi già để khử khuẩn...
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay chống dịch của Chính phủ, Bộ môn Điện tử y sinh/Khoa Kỹ thuật Điều khiển/học viện KTQS đã phối hợp với Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn/Bệnh viện Quân y 103 thiết kế thành công buồng khử khuẩn sử dụng tia cực tím (model UV MTA). Công nghệ tia cực tím là một trong ba công nghệ được sử dụng để khử khuẩn vật dụng và trang thiết bị y tế với ưu điểm: thời gian tiệt trùng nhanh, không tiêu hao hóa chất, không gây ra mùi khó chịu cho người sử dụng… tuy nhiên công suất khử khuẩn của công nghệ này lại thấp phù hợp hơn với điều kiện khử khuẩn cho từng nhóm, từng khoa riêng lẻ.
Dựa trên các báo cáo khoa học trên thế giới, sau khi tính toán không gian, thời gian và công suất chiếu tia cực tím, sản phẩm buồng khử khuẩn UV MTA đã được thiết kế với các thông số: chiều cao 120cm, chiều rộng 55cm, sâu 60cm, công suất tiêu hao là 120W, mật độ năng lượng chiếu tia UV có giá trị thấp nhất là 0.1mW/cm² và trang bị bánh xe để có thể di chuyển linh động.
Buồng khử khuẩn UV MTA sử dụng tia cực tím
Sau khi chế tạo xong, buồng khử khuẩn UV MTA đã được đưa đi đo lường các tham số bức xạ UV tại Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quân đội, đồng thời đưa sang Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn/Bệnh viện Quân y 103 để đánh giá hiệu quả khử khuẩn. Tại đây, buồng khử khuẩn UV MTA đã trải qua quy trình đánh giá hiệu quả khử khẩu bao gồm: khuẩn được cấy lên mẫu, sau đó mẫu được đưa vào buồng chiếu tia trong 15 phút, cuối cùng là đem mẫu đi đánh giá. Kết quả khử khuẩn đã đạt được các yêu cầu đề ra, cụ thể là sau 15 phút đã diệt hoàn toàn các vi khuẩn thuộc chủng S. aureus và P. aureginosa với số lượng 0,3.107 vi khuẩn/ml.
Buồng khử khuẩn UV MTA có cơ chế hoạt động như các buồng khử khuẩn công nghệ UV sẵn có trên thị trường đồng thời cũng có thể được sử dụng như một thiết bị dự phòng để khử khuẩn nhằm tái sử dụng khẩu trang N95 trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguồn cung ứng khẩu trang khan hiếm hoặc không có để sử dụng.
Hy vọng với kết quả kiểm định này, buồng khử khuẩn UV MTA sau khi hoàn thiện các thủ tục cấp phép có thể được sản xuất hàng loạt với thương hiệu Học viện Kỹ thuật quân sự chung tay vào nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19.