Nam Định hiện đang là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn tỉnh có 209/209 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.
Có được thành quả trên chính là nhờ việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nhiều lĩnh vực cùng sự “chung tay” của người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo ông Mai Thanh Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định: Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, những năm qua, tỉnh đã tập trung nghiên cứu, nhận chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và phát triển ngành nghề nông thôn. Cụ thể, tỉnh đã nghiên cứu, tuyển chọn, bổ sung hàng chục giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nổi bật là công nghệ duy trì các dòng lúa bố mẹ và công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1; công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; làm chủ công nghệ chăn nuôi chuồng kín; công nghệ cải tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao; công nghệ sản xuất giống một số loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: Ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược… Nhờ đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu tăng đáng kể (năm 2018 chiếm hơn 75% diện tích); giống khoai tây cũ năng suất thấp, chất lượng kém, dễ nhiễm sâu bệnh được thay thế bằng các giống khoai tây Đức và Hà Lan năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; bộ giống trong chăn nuôi được thay thế bằng các giống ngoại có nhiều ưu thế về năng suất, sản lượng.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định ứng dụng công nghệ khí canh để tạo giống khoai tây sạch bệnh.
Tỉnh Nam Định cũng thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ KH&CN cho cán bộ và người dân. Tỉnh đã hợp tác với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản) trong chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, như: Chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ gắn với sản xuất rau, củ hữu cơ an toàn; khai trương văn phòng đại diện hợp tác 3 bên; Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS tỉnh Nam Định”. Bên cạnh đó, các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kết hợp với xây dựng thương hiệu sản phẩm được các doanh nghiệp, người dân áp dụng trong các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân... Đến nay, toàn tỉnh có 14 trang trại được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAP.
Thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Theo ông Vũ Đại An, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN tỉnh Nam Định: Thời gian qua, KH&CN có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng NTM của tỉnh. Song, do hạn chế về nguồn kinh phí cũng như nhân lực nên các đề tài, dự án khoa học còn mang tính nhỏ lẻ, một số vấn đề quan trọng bức thiết nhưng chưa được đề xuất và tổ chức nghiên cứu. Để có những đóng góp thiết thực hơn trong thời gian tới, ông Vũ Đại An đề xuất cần tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học trọng tâm, hạn chế các công trình nghiên cứu quy mô nhỏ mà nên lồng ghép thành nhiệm vụ lớn, giải quyết vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, chú ý tới các mô hình có liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, có tính lan tỏa rộng, hiệu quả cao. Phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn. Đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hiện, Sở KH&CN tỉnh Nam Định đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN nhằm xây dựng bền vững NTM tỉnh Nam Định” với mục tiêu đưa ra hai sản phẩm chính là: Cẩm nang duy trì và nâng cao xây dựng NTM; website quản lý, điều hành xây dựng NTM. Đây là kho tư liệu về xây dựng NTM của tỉnh, tổng hợp bài học kinh nghiệm giúp các xã, huyện trong tỉnh xây dựng NTM, phục vụ công tác quản lý, điều hành quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. Ông Mai Thanh Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định cho biết: "Thời gian tới, sở sẽ chủ động rà soát những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM để đề xuất đưa vào chương trình, nhiệm vụ KH&CN địa phương; tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao đồng bộ ứng dụng KH&CN và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân".