Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh ở Trường Đại học Giao thông vận tải

18/08/2020 15:10

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI, cùng với cuộc cách mạng 4.0, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học ở đại học nói chung và đổi mới phương pháp dạy học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) nói riêng là cần thiết. Việc nghiên cứu ứng dụng CNTT vào giảng dạy môn học GDQPAN đã được Trường Đại học Giao thông vận tải triển khai và đạt hiệu quả nhất định.

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn học GDQPAN tại Trường Đại học Giao thông Vận tải
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn học GDQPAN tại Trường Đại học Giao thông Vận tải

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học, Khoa Giáo dục quốc phòng - Trường Đại học Giao thông vận tải đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy môn học GDQPAN bắt đầu từ năm 2006. Qua hơn mười năm thực tiễn giảng dạy, Khoa đã từng bước hoàn thiện việc ứng dụng CNTT, với phương châm: “Cơ bản, thiết thực và hiệu quả”. Trước tiên, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy một số nội dung như: “Giới thiệu một số loại vũ khí bộ binh”, sau đó rút kinh nghiệm, tiếp tục mở rộng ứng dụng đại trà các nội dung khác cho các học phần của môn học.

Những năm đầu triển khai ứng dụng CNTT, đa số giảng viên của khoa còn hạn chế về trình độ tin học, nhiều giảng viên muốn làm được bài giảng điện tử để giảng dạy nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, phải làm như thế nào? Thậm chí có giảng viên chưa sử dụng thành thạo máy vi tính. Với phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng viên chỉ cần soạn giáo án mỗi năm một lần, nhưng bài giảng điện tử đòi hỏi giảng viên phải liên tục cập nhật, bổ sung kiến thức và hình thức trình bày thực sự khoa học mới hấp dẫn được sinh viên. Chính vì thế, giải pháp đầu tiên để triển khai ứng dụng thành công CNTT vào giảng dạy là phải bảo đảm mỗi giảng viên phải có một máy tính cá nhân, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, động viên, khuyến khích các giảng viên tranh thủ học thêm ngoại ngữ, vi tính để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Tuy còn gặp những khó khăn nhất định, song đến nay 100% giảng viên đã thành thạo việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, biết cách sử dụng các phần mềm biên tập dữ liệu số; biết tìm kiếm và lựa chọn tài nguyên thích hợp để phục vụ cho biên soạn bài giảng sinh động nhất. Các nội dung lý thuyết của từng học phần học trên giảng đường hiện nay đều được giảng viên ứng dụng triệt để CNTT và đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người học. Với hình thức tổ chức học tập trung theo từng đợt và bố trí học lý thuyết ghép lớp, sĩ số lớp học đông, phòng học rộng, thì giải pháp ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn học GDQPAN được đánh giá là rất phù hợp.

Qua kết quả khảo sát trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường do Khoa chủ trì cho thấy, sau 5 năm thực hiện ứng dụng CNTT vào giảng dạy môn học GDQPAN ở Trường Đại học Giao thông vận tải có đến 93,4% sinh viên tham gia khảo sát cho rằng rất hài lòng với phương pháp giảng dạy có ứng dụng CNTT. Về phía người dạy cũng đã khẳng định, thông qua việc triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã từng bước nâng cao được trình độ tin học cho giảng viên, tạo áp lực bắt buộc giảng viên phải tự nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.

Trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi năm đều tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ rõ những mặt còn tồn tại hạn chế của từng giảng viên và xem như một tiêu chí đánh giá bình xét thi đua của cán bộ trong năm đó, có như vậy mới tạo áp lực thúc đẩy giảng viên phấn đấu.

Để bảo đảm cho việc phát triển ứng dụng CNTT vào giảng dạy môn học GDQPAN đạt kết quả tốt nhất, các giảng viên Khoa Giáo dục quốc phòng - Trường Đại học Giao thông vận tải đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học tập đặc biệt chú trọng đến việc học tập nâng cao kiến thức tin học, đồng thời thường xuyên tìm tòi nắm bắt những thông tin mới, những công nghệ mới để phục vụ cho công tác giảng dạy ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng.

icon